Số 10, Quốc lộ 55, tổ 4, khu phố Phước Hòa, Thị trấn Phước Bửu, Huyện Xuyên Mộc, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Số 10, Quốc lộ 55, tổ 4, khu phố Phước Hòa, Thị trấn Phước Bửu, Huyện Xuyên Mộc, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Vị thế của BIDV, VietinBank, Vietcombank trong hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn luôn được nhắc đến như những “ông lớn” với sự dẫn đầu ở nhiều mặt cũng như có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường, khi nắm giữ thị phần huy động, cho vay vượt trội. Cả 3 ông lớn này đều đặt mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 ở Việt Nam, nhưng cái tên nào thực sự dẫn đầu cho đến nay vẫn làm thị trường phải đau đầu chọn lựa. Cả BIDV, VietinBank hay Vietcombank đều chỉ có vị trí số 1 ở vài khía cạnh nào đó và luôn có sự bám đuổi quyết liệt của 2 nhà băng còn lại, vẫn chưa ai vươn lên đứng đầu về toàn diện.
BIDV dẫn đầu về tổng tài sản, thị phần cho vay và huy động
Về tổng tài sản, BIDV đang là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất, đạt trên 1,26 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 9/2018. Theo sau là VietinBank với 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,2% so với đầu năm. Trong khi tổng tài sản tiếp tục tăng ở BIDV và VietinBank thì Vietcombank lại bất ngờ tuột mốc 1 triệu tỷ từ giữa năm, đến cuối tháng 9 giảm xuống còn 995 nghìn tỷ, giảm 3,9% so với đầu năm.
BIDV cũng là ngân hàng hút tiền gửi lớn nhất hiện nay với hơn 953 nghìn tỷ đồng, đồng thời cũng là nơi có tăng trưởng huy động tiền gửi cao nhất trong 3 ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2018, với mức 10,9%. Trong khi đó, VietinBank và Vietcombank lần lượt tăng trưởng 9,7% và 9,2%.
Trong hoạt động tín dụng, BIDV cuối tháng 9/2018 có dư nợ cho vay đạt gần 954 nghìn tỷ đồng, bỏ khá xa VietinBank chỉ ở mức gần 876 nghìn tỷ và Vietcombank là 616 nghìn tỷ.
VietinBank đang có vốn điều lệ lớn nhất, nhưng nguy cơ sớm bị vượt
Vốn điều lệ của VietinBank hiện đang dẫn đầu với hơn 37.200 tỷ đồng, không hơn nhiều so với Vietcombank (35.977 tỷ đồng) và BIDV (34.187 tỷ đồng).
Tuy nhiên, thứ tự này có thể sẽ sớm bị xáo trộn trong thời gian ngắn sắp tới khi cả Vietcombank và BIDV đã có những động thái chuẩn bị phát hành cổ phiếu để trong tăng vốn. Trong khi đó VietinBank mặc dù đã được gỡ nhiều rào cản về quy định song cũng khó hoàn thành một sớm một chiều.
Vietcombank hồi cuối tháng 9 đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 39.575 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến phát hành riêng lẻ gần 360 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu thành công, Vietcombank sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất.
Thế nhưng BIDV cũng có bước tiến mới khi đã lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bán 603 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài là KEB Hana Bank. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên mức 40.220 tỷ đồng.
Vấn đề tăng vốn đang trở nên rất cấp bách với VietinBank hiện nay khi 2018 đã là năm thứ ba kéo dài yêu cầu tăng vốn điều lệ mà không thể thực hiện. Tuy nhiên khác với Vietcombank hay BIDV có thể phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài, VietinBank có ít lựa chọn hơn khi sở hữu của cổ đông nước ngoài tại nhà băng đã được lấp đầy.
VietinBank có nhiều chi nhánh và phòng giao dịch nhất
VietinBank đang là ngân hàng cổ phần có mạng lưới lớn nhất hiện nay với hơn 1.100 chi nhánh, phòng giao dịch. BIDV cũng bám sát với hơn 190 chi nhánh và hơn 850 phòng giao dịch. Trong khi đó, mạng lưới điểm giao dịch của Vietcombank lại nhỏ hơn rất nhiều với chỉ 106 chi nhánh và hơn 390 phòng giao dịch.
Đơn vị: chi nhánh/ phòng giao dịch, người
Trên thực tế, mạng lưới giao dịch đồ sộ như VietinBank hay BIDV đã đem lại nhiều ưu thế vượt trội như tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, đặc biệt khách hàng vùng sâu vùng xa hay gia tăng độ phủ của thương hiệu. Song không phải chi nhánh, phòng giao dịch nào cũng đều có kết quả hoạt động tốt; từ đấy dẫn tới tình trạng khó quản lý chi phí, ảnh hưởng lợi nhuận.
Trong ĐHĐCĐ bất thường của VietinBank mới đây, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch ngân hàng cho biết ngân hàng này đang quy hoạch lại mạng lưới giao dịch, cũng là một trong những nội dung nằm trong phương án cơ cấu giai đoạn 2016-2020 vừa được NHNN chính thức phê duyệt. Ông cho biết, ngân hàng đang rà soát, đánh giá và xem xét cắt giảm những điểm giao dịch không hiệu quả, hiệu quả kém hoặc sẽ sáp nhập một số chi nhánh, phòng giao dịch để đạt được hiệu quả hoạt động cao hơn.
Vietcombank dẫn đầu về lợi nhuận và vốn hóa
Dù có mạng lưới nhỏ hơn, vốn tự có thấp hơn nhưng Vietcombank đang có lợi nhuận cao nhất và ngày càng bỏ xa 2 ngân hàng còn lại. 9 tháng đầu năm 2018, Vietcombank có lợi nhuận trước thuế đạt tới 11.683 tỷ đồng; trong khi VietinBank và BIDV chỉ lần lượt đạt 7.254 tỷ và 7.596 tỷ, thậm chí còn thấp hơn cả Techcombank, một ngân hàng tư nhân đang có tốc độ phát triển nhanh trong những năm trở lại đây.
Giá cổ phiếu VCB của Vietcombank hiện đứng quanh mức 57.000 đồng/cp trong khi CTG của VietinBank là 24.000 đồng, BID của BIDV là 33.500 đồng/cp. Trên thị trường, vốn hóa của Vietcombank hiện đạt hơn 205,8 nghìn tỷ, trong khi BIDV là 115 nghìn tỷ và VietinBank là gần 90 nghìn tỷ.
Có thể thấy chưa cái tên nào thực sự dẫn đầu trên mọi phương diện, cả 3 “ông lớn” đều có vị trí số một ở khía cạnh nào đó và luôn có sự bám đuổi quyết liệt. Với những dự tính và kế hoạch đầy tham vọng trong tương lai, họ đều muốn vươn lên vị trí ngân hàng số 1 Việt Nam.
Vietcombank đề ra tầm nhìn, mục tiêu chiến lược đến năm 2020 trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam, và là một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất toàn cầu.
Trong khi đó, VietinBank đang phấn đấu nằm trong TOP 10 ngân hàng thương mại lớn nhất ASEAN, một trong 2 ngân hàng thương mại Việt Nam đứng trong TOP 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á và là một trong những ngân hàng thương mại Việt Nam đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Còn BIDV phấn đấu đến năm 2020 nằm trong top 25 ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á, top 150 ngân hàng lớn nhất Châu Á Thái Bình Dương và top 400 ngân hàng lớn hàng đầu thế giới.
Thực hiện những tham vọng đó, 3 “ông lớn” đều có hướng đi riêng với những lợi thế nhất định. Song cũng cả 3 đều đang đối mặt một số thách thức chung trong thời gian sắp tới như chính thức áp dụng Basel II, nâng cao năng lực tài chính bằng tăng vốn điều lệ, tái cơ cấu, xử lý quyết liệt nợ xấu. Vietcombank có lẽ là ngân hàng đang đi trước một bước trong cuộc cạnh tranh này khi mới đây đã được NHNN công nhận là 1 trong 2 ngân hàng đầu tiên hoàn tất việc áp dụng Basel II, cũng là ngân hàng đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và có nợ xấu nội bảng thấp nhất trong 3 nhà băng.