Huynh Đệ Hoàng Kim Full

Huynh Đệ Hoàng Kim Full

Những đề thi đánh đố cả người lớn

Những đề thi đánh đố cả người lớn

Hành động mãn nhãn bù đắp cho kịch bản sơ sài

Tập trung ưu tiên khai thác tình nghĩa huynh đệ với tinh thần hoài niệm cao, Huynh đệ hoàng kim thực tế có câu chuyện rất đơn giản, khuôn mẫu, và dễ đoán. Sau khi giới thiệu nhóm năm anh em cho khán giả, bộ phim đem đến một nút thắt bất ngờ ở đoạn giữa, hé lộ nhân vật phản diện chính thực sự của tác phẩm.

Từ đây, khán giả kỳ vọng rằng bí mật xoay quanh hoàn cảnh và mối quan hệ giữa các nhân vật sẽ dần trở nên rõ ràng hơn. Song, kịch bản của bộ phim lại tỏ ra lười biếng khi gần như không còn đem tới thêm điều gì mới mẻ hay bất ngờ.

Nửa sau của Huynh đệ hoàng kim có diễn biến đơn điệu, ít cao trào hay điểm nhấn xung đột đặc sắc. Bản thân mục tiêu, hoàn cảnh và lý tưởng của các nhân vật cũng không có thêm nét phát triển nào đáng kể.

Bù lại cho phần kịch bản sơ sài, mảng hành động của Huynh đệ hoàng kim được thực hiện khá tốt. Bộ phim đem đến nhiều trường đoạn hành động dài hơi, đa phong cách, với chất lượng thực hiện không hề thua kém các tác phẩm cùng loại của Hollywood.

Khán giả lần lượt có cơ hội thưởng lãm pha đột nhập vào trung tâm hội nghị giữa sa mạc cùng màn đánh cướp xe chở vàng đậm chất Fast and Furious, rồi trường đoạn đua xe truy sát giữa Fukuoka đầy hư cấu do lợi dụng kỹ xảo máy tính, nhưng rất kịch tính và đẹp mắt.

Nam diễn viên lão làng Yasuaki Kurata góp mặt và đem đến cho khán giả một màn giao đấu tay đôi tuy ngắn nhưng đủ đặc sắc, đúng theo phong cách phim xã hội đen Hong Kong kiểu cũ.

Và cuối cùng, điểm nhấn lớn nhất của tác phẩm là trường đoạn đột kích vào đầu não phản diện kịch tính, mãn nhãn, với những cảnh cháy nổ, đấu súng ác liệt đậm chất Michael Bay, cũng như hàng loạt pha bắn giết, tả xung hữu đột ác liệt theo phong cách Biệt đội Đánh thuê.

Có lẽ đã lâu lắm rồi khán giả yêu điện ảnh Hong Kong mới có dịp trải nghiệm tinh thần hoài niệm giàu cảm xúc như khi theo dõi Huynh đệ hoàng kim. Tuy bộ phim còn mắc nhiều thiếu sót về mặt kịch bản, nhưng tình huynh đệ giữa các nhân vật cùng phần hành động mãn nhãn là quá đủ để níu chân người xem đến phút cuối cùng.

Hoài niệm về những ‘Người trong giang hồ’

Tạm chưa bàn tới chất lượng của Huynh đệ hoàng kim, bộ phim thu hút sự chú ý từ phía công chúng bởi màn tái xuất của dàn diễn viên chính trong loạt phim xã hội đen đình đám thập niên 1990 của điện ảnh Hong Kong.

Trải qua 6 tập chính và nhiều phần ngoại truyện mở rộng khác, Người trong giang hồ của đạo diễn Lưu Vỹ Cường dựa trên bộ truyện tranh cùng tên của tác giả Ngưu Lão đã trở thành hiện tượng không chỉ tại quê hương, mà còn gây ảnh hưởng lớn đến khán giả trẻ Việt Nam đương thời.

Những câu chuyện xoay quanh các thành viên trẻ của băng Hồng Hưng đầy nhiệt huyết giang hồ, đầy nghĩa khí huynh đệ làm bật lên khí thế hừng hực của tuổi trẻ. Tại đó, họ có thể bất chấp tất cả vì anh em. Lần lượt Trần Hạo Nam, Gà rừng, Đại Thiên Nhị, Bao Bì, Đầu bụ có thuở là hình mẫu thần tượng của biết bao thanh thiếu niên trẻ tuổi.

Gần 20 năm sau, dàn diễn viên chính của loạt phim năm xưa mới có dịp tái ngộ tương đối đầy đủ. Do “Đầu bự” Tiền Gia Lạc chỉ đạo thực hiện, điểm nhấn lớn nhất của Huynh đệ hoàng kim chính là sự hoài niệm và lời tri ân đến tinh thần của loạt Người trong giang hồ ngày trước.

Không còn là xã hội đen ngày đêm bàn mưu tính kế, đánh giết bất cần để lấy số, tranh đoạt địa bàn, nhóm năm người trong Huynh đệ hoàng kim giống như sự kết hợp giữa The Expendables và Fast & Furious.

“Năm anh em trên một chiếc Hummer” cũng bừng bừng khí thế, nhưng nay trở nên mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn, hành động đẳng cấp hơn, với mục tiêu cao thượng hơn. Tình nghĩa huynh đệ cũng không đơn thuần là nghĩa khí giang hồ. Họ nay giống như gia đình thực thụ, nơi mọi người cùng thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Trong đó, Sư Vương của Trịnh Y Kiện vẫn là đại ca điển trai, phong độ giống như Trần Hạo Nam khi xưa. Hỏa Sơn của Trần Tiểu Xuân vẫn đầy nhiệt thành, đa cảm, và có phần bốc đồng không khác Gà rừng là bao

Các nhân vật còn lại mỗi người một cá tính, một vai trò chuyên biệt, đóng góp vào sự phong phú của toàn đội, và giúp tạo ra bức tranh trọn vẹn về hội năm anh em cao thủ làm gì cũng có nhau.

Mối nối gắn kết cả năm người là nhân vật ông Tào - người nuôi dạy họ nên người. Người này giống như thủ lĩnh tinh thần cho cả đội, với hàng loạt lời khuyên hữu ích về cách sống, về tình cảm gia đình nói chung và tình nghĩa huynh đệ nói riêng.

Tăng Chí Vĩ thể hiện hình tượng người cha nuôi tương đối thành công và trọn vẹn, giúp truyền cảm hứng và tạo nên động lực hành động hiệu quả cho các nhân vật.